Monday, June 13, 2016

Làm thế nào để thành công trong kinh doanh?

Một điều quan trọng quyết định bạn có thành công trong việc xây dựng một doanh nghiệp là các kỹ năng kinh doanh. Có thể nói sở dĩ phần lớn các chủ doanh nghiệp thất bại (trên 90%) là vì đa số mọi người thành lập công ty mà không hề biết phải làm gì để xây dựng và điều hành một công ty thông suốt. Đơn giản, họ không có những kỹ năng cần thiết.

Bạn có thể đặt câu hỏi: nếu vậy, cớ sao họ lại mở công ty? Điều gì khiến họ nghĩ mình có thể thành công? Điều nguy hiểm đầu tiên là những giả thuyết họ đặt ra. Ai nấy đều chắc mẩm rằng, chỉ cần họ thông thạo "cách làm" trong lĩnh vực họ kinh doanh thì họ ắt sẽ biết cách điều hành công ty kinh doanh trong lĩnh vực đó một cách ngon lành (trích dẫn lời nhận định của bậc thầy về kinh doanh là Michael Gerber).

Cụ thể, nhiều người cho rằng hễ biết nấu món phở là họ có thể làm chủ một tiệm bán phở và khiến cho khách tấp nập đến ăn. Rằng chỉ cần bạn là người thầy dạy giỏi là bạn có thể điều hành một trung tâm đào tạo thành công. Tương tự, chỉ cần biết cắt tóc là có thể quản lý một tiệm làm đầu.

Nhưng sự thực chẳng có gì diễn ra trong thực tế giống với phép giả định ấy cả. Biết bao nhiêu người vì tài nấu nướng của mình mà mở nhà hàng. Anh ta có thể rất giỏi chế biến món ăn trong bếp, nhưng lại chẳng biết gì về tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tuyển chọn, quản lý và huấn luyện nhân viên. Anh ta cũng chẳng hiểu mô tê gì về cách vận hành, quản lý dòng tiền vào ra, công tác kế toán, v.v... Thế là tài nấu ăn không thể biến anh ta thành ông chủ một cửa hàng buôn bán đắt khách như giả định của anh ta.

Có một điều chắc chắn, anh ta sẽ bỏ phần lớn thời gian trong nhà bếp để thực hiện những việc như chọn thực phẩm, pha chế, nấu nướng, nêm nếm,... (bởi đó là những việc mà anh ta giỏi nhất). Kết quả, anh ta không có đủ thời gian dành cho những khâu quan trọng không kém của một doanh nghiệp là tiếp thị, tài chính, phát triển thương hiệu, quản lý và dịch vụ khách hàng.

Thật vậy, kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó mà bạn chọn để kinh doanh không đóng góp nhiều cho thành công của bạn trong lĩnh vực đó. Bạn không cần phải là nhà tạo mẫu tóc hay chuyên gia làm đẹp trước khi mở thẩm mỹ viện cho các bà các cô, bạn không nhất thiết phải là đầu bếp trứ danh để thành công trong kinh doanh nhà hàng. Thật ra, nhiều khi không biết kiến thức chuyên môn lại tốt hơn. Tại sao vậy? Vì như thế bạn sẽ không cho mình là "giỏi nhất" mà bỏ công chiêu hiền đãi sĩ, thuê những người có kiến thức chuyên môn giỏi về làm việc cho mình. Bản thân bạn thì tập trung toàn bộ thời gian và năng lượng cho việc phát triển kiến thức, kỹ năng cần thiết và quan trọng không kém cho sự thành công của một doanh nghiệp như tiếp thị, tài chính, quản lý và điều hành.

Nhìn chung có sáu kỹ năng kinh doanh quan trọng mà bạn phải phát triển bên cạnh kiến thức chuyên môn để xây dựng một công ty thành công và bền vững. Đó là: 1) sáng tạo và cải tiến, 2) phát triển cơ cấu tổ chức công ty, 3) quản lý và phát triển nhân sự, 4) bán hành và tiếp thị, 5) quản lý tiền bạc và 6) phát triển hệ thống hoạt động.

a. Sáng tạo và cải tiến
Trong khi sáng tạo là một phạm trù về tư duy, nó cũng đồng thời là một kỹ năng mà bạn cần có. Bạn phải nắm được kỹ năng sáng tạo để tạo dựng tầm nhìn cho công ty và nghĩ ra những phương thức độc đáo trong kinh doanh, đó là những điểm sẽ đem lại cho bạn lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Bạn cũng cần có những biện pháp cải tiến, đổi mới để liên tục làm mới hệ thống, sản phẩm và dịch vụ của bạn, có như thế mới mong duy trì được mức độ tăng trưởng và vị thế trên thương trường.

b. Phát triển cơ cấu tổ chức công ty
Tiếp đó, bạn cần biết làm thế nào để tổ chức các bộ phận trong công ty một cách hợp lý và bố trí nhân sự vào những vị trí phù hợp. Bất cứ một công ty nào muốn thành công cũng cần phải có một cơ cấu hợp lý để chạy "chương trình" cho thông suốt. Giống như một chiếc xe hơi, các bộ phận từ con ốc nhỏ đến động cơ đều phải được đặt vào đúng chỗ để máy chạy tốt, bạn cũng cần biết cách bố trí sao cho tất cả các bộ phận (như sản xuất, tiếp thị, tổ chức và tài chính) của công ty phối hợp với nhau một cách tốt nhất để bổ sung cho nhau chứ không phải trùng lắp hoặc cản trở lẫn nhau.

c. Quản lý và phát triển nhân sự
Một kỹ năng không kém phần quan trọng khác là bạn cần biết cách quản lý con người sao cho lực lượng lao động của bạn là một đội ngũ làm việc hiệu quả nhất. Con người là thứ tài sản quý giá nhất. Nắm được kỹ năng này là cơ sở cho bạn tạo ra một doanh nghiệp triệu đô và mở rộng trên phạm vi thế giới.

Một công ty chỉ thành công khi có những con người làm việc cho nó. Nhiều người có thể làm việc một mình rất tốt, nhưng lại không nắm được cách thức tập hợp, xây dựng và mở rộng đội ngũ làm việc, vì thế công ty của họ cũng chỉ "phát triển" lên đến một mức nào đó và không thể "lớn lên" được.

d. Bán hàng và tiếp thị
Nếu bạn không biết bán hàng và tiếp thị, bạn khó có thể thành công trong kinh doanh. Tương tự, không phải công ty nào có sản phẩm tốt nhất cũng sẽ dẫn đầu thị trường. Bên cạnh chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, công ty nào có chiến lược bán hàng, tiếp thị, thương hiệu và khuyến mãi tốt hơn sẽ vượt lên trước.

IBM trở thành công ty máy tính thành công nhất không phải vì máy tính của họ tốt nhất, mà bởi vì người sáng lập IBM, Tom Watson, là người bán hàng ngoại hạng, ông đã thành công trong xây dựng đội ngũ bán hàng hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. McDonald's không bán ra loại hamburger ngon nhất, nhưng họ bỏ xa Burger King phía sau (bánh của Burger King được đánh giá là ngon hơn) bởi vì McDonald's có Ray Kroc, một người bán hàng siêu đẳng và ông đã thành công trong việc truyền lại kỹ năng bán hàng cho đội ngũ nhân viên.

Với tư cách là chủ công ty hay CEO, bạn phải thích bán hàng và giỏi bán hàng. Nói rộng ra, điều đó có nghĩa là bạn phải có khả năng "bán" tầm nhìn của mình cho nhân viên, "bán" hình ảnh công ty cho các nhà đầu tư, "bán" thương hiệu cho khách hàng và "bán" ý tưởng cho cấp quản lý của mình.

e. Quản lý tiền bạc
Kỹ năng thứ 5 mà bạn phải nắm chắc là kỹ năng quản lý tiền bạc. Trong thực tế, nhiều ông chủ xem thường kỹ năng này. Nhưng đó lại là một sai lầm cơ bản dẫn đến thất bại.
Một khi bạn quyết định làm chủ công ty, điều đó có nghĩa là bạn phải bỏ một phần lớn thời gian của mình quan tâm đến những con số. Trong khi đa số mọi người làm kinh doanh là vì đam mê chứ không phải vì tiền, thì tiền vẫn là thứ mà bạn không thể bỏ qua.

f. Phát triển hệ thống hoạt động
Cuối cùng, để xây dựng công ty thành công có quy mô lớn và có chân rết ở những vùng miền hay quốc gia khác, bạn phải có kỹ năng xây dựng hệ thống hoạt động sao cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể được sao chép một cách đồng nhất và phát triển ở nhiều nơi.

Điều khiến những công ty như McDonald's thành công đến vậy là vì người sáng lập Ray Kroc đã xây dựng được một hệ thống vận hành rất tốt khiến cho tất cả các cửa hàng McDonald's dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng cung cấp một chất lượng dịch vụ thống nhất, hiệu quả như nhau. Ghé vào bất cứ cửa hàng McDonald's nào, bạn cũng sẽ chứng kiến cảnh nhân viên đón chào niềm nở, cách làm khoai tây chiên trong cùng một thời lượng và cách bày trí giống nhau.

Công ty của bạn chỉ thành công khi bạn có thể xây dựng được một công thức hoặc hệ thống cho phép doanh nghiệp của mình tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng như nhau, cho dù, với tư cách là chủ, bạn có tham gia vào quá trình vận hành ấy hay không. Bằng cách này, công ty có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra những vùng khác và nước khác, thực hiện cái mà chúng ta có thể hiểu là nhân rộng quy mô hiệu quả. Ngay cả khi những nhân viên chủ chốt của bạn ra đi (chắc chắn sẽ có lúc như vậy), công ty của bạn vẫn tiếp tục hoạt động, cung cấp cho công chúng cùng một chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

<To be continued..>